Sáng ngày 20.7 tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh. Đ/c Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Đình Toản; Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy; Lãnh đạo đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, Chánh Văn phòng HĐND và Chánh Văn phòng UBND của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc. Về phía tỉnh Hà Giang có đ/c Phạm Thị Hồng Yên, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; Đ/c Lương Văn Đoàn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; đ/c Đỗ Văn Hùng Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH dự.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về một số nội dung liên quan đến Văn phòng chung sau hợp nhất, hệ thống các cơ quan ở địa phương như tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, trụ sở, kinh phí... Đồng thời, cho ý kiến về nguyên tắc lựa chọn, cơ cấu các địa phương, thời gian thực hiện thí điểm bảo đảm để sửa các luật có liên quan cho phù hợp.
Đồng chí Phạm Thị Hồng Yên, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị: Việc hợp nhất 3 văn phòng là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức Văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ; góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương. Về tên gọi của Văn phòng, đồng chí đồng tình với đề xuất của Ban soạn thảo là Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố, vì với tên gọi này đã thể hiện rõ vị trí, vai trò, chức năng của Văn phòng giúp việc cho 3 chủ thể là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội. Về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng cần quy định rõ ràng chức năng tham mưu cho từng chủ thể để tránh việc mâu thuẫn, thiếu khách quan trong quá trình hoạt động, thực thi nhiệm vụ. Về cơ cấu tổ chức cần xác định cụ thể số lượng cấp phó của Văn phòng và các phòng. Về biên chế của Văn phòng không bao gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc và Lãnh đạo các Ban HĐND. Về thời gian thực hiện thí điểm nên tính từ 01/01/2019...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị đều theo đúng mục tiêu sáp nhập 3 Văn phòng là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND. Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu để hoàn thiện Đề án.
Hoàng Hiền