Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, có tổng diện tích tự nhiên 791.488,9ha, trong đó diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 553.138,3ha, chiếm gần 70% diện tích đất tự nhiên.
Có thể nói, cuộc sống của con người Hà Giang gắn liền với rừng, với 70% người dân sinh sống trên đất rừng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần có quy hoạch, chiến lược phù hợp trong khai thác, bảo vệ và tái trồng rừng, nhất là sau các vụ việc khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh (khai thác gỗ rừng đặc dụng Phong Quang, chặt phá rừng Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên; khai thác trái gỗ phép tại xã Đức Xuân huyện Bắc Quang; xã Lạc Nông huyện Bắc Mê...).
Đảm bảo cuộc sống cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang. Trong những năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương được ban hành và triển khai thực hiện, như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004, Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày 24/9/2010 của Chính phủ, chính sách giao rừng và đất rừng đến hộ và nhóm hộ gia đình, chính sách hỗ trợ lương thực cho các hộ trồng rừng, bảo vệ rừng, chương trình 327, chương trình 661, chính sách hỗ trợ chất đốt thông qua việc xây bếp đun tiết kiệm củi cho người dân nhằm giảm nạn chặt phá rừng; dự án bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá (Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn), chính sách phát triển cây dược liệu…
Mới đây nhất, ngày 09/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2015/NĐ-CP “Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”. Trong đó quy định rõ về đối tượng được hỗ trợ (hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có thực hiện các hoạt động lâm nghiệp) và mức vay, lãi suất cho vay để hỗ trợ trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, mức khoán bảo vệ rừng, đặc biệt có chính sách hỗ trợ gạo cho ngươi dân trong thời gian trồng rừng thay thế nương rẫy.
Để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị định Nghị định 75/2015/NĐ-CP, trong thời gian tới, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực vươn lên của người dân, rất cần sự hỗ trợ, chính sách ưu đãi của trung ương và các tổ chức quốc tế về nguồn tài chính trong triển khai thực hiện đảm bảo sinh kế cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng.
Kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 sẽ là đòn bẩy để các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt kết quả cao hơn công cuộc giảm nghèo bền vững và những cánh rừng của Hà Giang sẽ không chỉ là lá phổi xanh, là “kho lương thực” mà sẽ là “nguồn thu” bất tận để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Thu Hằng