Ngày 17/11/2019 Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Dự và chỉ đạo buổi Lễ kỷ niệm có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực phía Bắc…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Hoàng Văn Vịnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vi Hữu Cầu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Huyện Vị Xuyên.
Trường Đại học Nông Lâm với tiên gọi đầu tiên là Đại học Kỹ thuật miền núi được thành lập trên cơ sở của Trường trung học Nông Lâm nghiệp Việt Bắc. Do yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ, trường đã có ba lần thay đổi tên gọi, đến năm 1994 trường trở thành trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên với tên gọi hiện nay là Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Sau 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đại học Nông Lâm đã có đội ngũ giảng viên, cán bộ chất lượng cao, với 11 giáo sư, 34 phó giáo sư, 105 tiến sĩ; tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ từ tiến sĩ trở lên đạt gần 50%, trong đó giáo sư và phó giáo sư là 15%; nhà trường đã đào tạo hơn 44 nghìn kỹ sư, cử nhân; hơn 3.000 Thạc sỹ (trong đó, có hàng sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia với 24 chuyên ngành bậc đại học; 9 chuyên ngành thạc sĩ; 8 chuyên ngành tiến sĩ). Đáp ứng nhu cầu hội nhập, hiện nay Nhà trường đang triển khai 3 chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường cũng đang có quan hệ hợp tác với hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trên thế giới.
Trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng trường và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho Hiệu trưởng PGS - TS Trần Văn Điền, và phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của Đại học Nông lâm Thái Nguyên trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của khu vực trung du miền núi và cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện tự chủ đại học và đào tạo cán bộ nông, lâm nghiệp có xu hướng giảm, Đại học Nông lâm Thái Nguyên phải là nơi đào tạo cán bộ nông, lâm nghiệp chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các địa phương và cả nước. Đồng thời, phải vươn nên là trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, coi nghiên cứu khoa học - công nghệ, đặc biệt về lâm nghiệp là nền tảng, tương lai của mình.
Đồng chí cho rằng, để trường vươn lên là trung tâm nghiên cứu khoa học về nông, lâm nghiệp, đặc biệt về lâm nghiệp thì phải coi nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là đột phá, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các bộ, ngành, địa phương phải là những người đặt hàng. Đồng thời, trường phải là nơi nêu cao và tỏa sáng giá trị tốt đẹp về văn hóa và đạo đức.
Bùi Văn Tân