Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân… kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản phát triển ổn định, quốc phòng – an ninh được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành với 39/44 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 02 chỉ tiêu đạt từ 90 đến dưới 100%; tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh theo giá so sánh đạt 13.893,8 tỷ đồng, tăng 6,0%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 28,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 31,17% năm 2018 xuống còn 26,73% năm 2019. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc luôn được các cấp, các ngành quan tâm.
Trong năm vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện chính trị quan trọng như: Tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số: 24 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số: 45 - CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông; chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số các cấp và tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ III vv… Đây là những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng như việc triển khai các chính sách dân tộc trong thời gian vừa quan, đồng thời ghi nhận, biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong sự nghiệp phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tổ chức thẩm định kết quả rà soát các thôn, xã hoàn thành Chương trình 135; rà soát, kiện toàn, bổ sung danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019; tổ chức tổng kết Đề án đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các lễ hội văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; lồng ghép nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc với nguồn lực các chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời sớm phân bổ, giao nguồn kinh phí ngay từ đầu năm để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện…
Về việc thực hiện các chính sách dân tộc, theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại báo cáo thẩm tra trình tại Kỳ họp, trong năm 2019, cơ bản các chính sách dân tộc được triển khai đúng quy định và có hiệu quả như: Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; hỗ trợ về thông tin, truyền thông; hỗ trợ, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống vv…nổi bật là việc triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo về nhà ở (theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015) và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất (theo Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đã đem lại hiệu quả đáng kể, chuyển dần từ mục tiêu hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ có điều kiện, khuyến khích được sự tham gia của người dân, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế vv… bằng các nguồn lực Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự trao đổi, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các thôn, xã, vùng, miền, khu vực; cùng với việc triển khai Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở, Chương trình ổn định dân cư theo Nghị quyết số 87/NQ-HĐND, của HĐND tỉnh được UBND tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả và đã về đích trước một năm với 3.269 hộ gia đình sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, biên giới được sinh sống tập trung ở nơi an toàn với tổng kinh phí thực hiện bằng 87.904,9 triệu đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong năm 2019 vừa qua công tác quản lý nhà nước về dân tộc và triển khai chính sách dân tộc trong năm 2019 cũng gặp những khó khăn nhất định, đó là: Điều kiện tự nhiên, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn; còn nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt; thiếu viêc làm cho thu nhập ổn định; tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tới trên 99% trong tổng số 26,73% hộ nghèo của tỉnh; công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tỉ lệ hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới vẫn ở mức cao (23,88%). Nguồn lực để thực hiện một số chính sách dân tộc chưa được đáp ứng, như: Theo Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt mới được cấp 4,721/324,036 tỉ đồng (bằng 1,46% nhu cầu trong cả giai đoạn), có chính sách không được bố trí nguồn lực thực hiện như sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư; việc hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg hiện nay mới chỉ áp dụng cho đối tượng hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, việc triển khai các chính sách dân tộc còn có những tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác kiểm tra, thanh tra chuyên đề về chính sách dân tộc của một số ngành, cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả (chủ yếu lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn khác), do đó chưa kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc, sai sót ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ, uốn nắn dẫn đến sai phạm như việc để xảy ra sai phạm trong một số nhà trường khi triển khai chính sách hỗ trợ học sinh bán trú; sử dung báo, tạp chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn không hiệu quả; việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số còn chậm, dồn vào thời điểm cuối năm. Tình trạng người dân tộc thiểu số lứa tuổi trung niên trở lên ở những vùng đặc biệt khó khăn chưa biết chữ hoặc tái mù chữ, chưa thông thạo tiếng phổ thông còn khá phổ biến, rất khó khăn cho công tác thông tin, tuyên truyền. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được giải quyết triệt để; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng còn ở mức cao; sự phát triển về tầm vóc, thể trạng người dân tộc thiểu số chưa có nhiều cải thiện. Công tác bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá văn hóa truyền thống ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, như hệ thống bảo tàng văn hóa ở cấp huyện (huyện Đồng Văn), bảo tàng mini ở các làng văn hóa du lịch. Trong năm vừa qua, sự phát triển nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng núi cao có sự phát triển khá nhanh, tuy nhiên kiến trúc nhà ở truyền thống đang có nguy cơ mai một; vị trí xây dựng không phù hợp vv…
Một số chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn dở dang, không phát huy hiệu quả từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp khắc phục, như các dự án ổn định dân cư tập trung theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 và dự án định canh định cư tập trung cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt vùng dân tộc thiểu số, miền núi có chất lượng yếu kém, không phát huy hiệu quả nhưng chậm được khắc phục hoặc chỉ khi có các đoàn kiểm tra, giám sát phát hiện hoặc có phản ánh, kiến nghị của cử tri mới triển khai sửa chữa, khắc phục. Việc giải ngân một số chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp như: Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và khó khăn đến thời điểm cuối tháng 11/2019 mới giải ngân đạt 32%; Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2017-2020 giải ngân đạt 39% kế hoạch.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số, năm 2019 vừa qua, các chính sách dân tộc được triển khai có hiệu quả, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Để triển tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc trong năm 2020, các ngành, các cấp cần sớm khắc phục những khó khăn, giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại trong năm 2019 và tiếp tục quan tâm hiệu quả công tuyên truyền các chính sách dân tộc nói riêng và chính sách pháp luật nói chung.
Hùng Hải