Sáng ngày 28/10, Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Quang Trí, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với một số sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả công tác thông tin tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong giai đoạn 2018 – 2022, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống như kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian… được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Công tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn, nơi có di tích hiểu rõ ý nghĩa, giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích. Công tác sưu tầm, phục dựng các di sản văn hóa cũng được các cấp quan tâm. Kết hợp việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cũng đã được các cấp quan tâm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên. Năm 2021, ngành Văn hóa đã nhận diện được 131 di tích lịch sử, danh thắng trong đó có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng các cấp; 70 di tích, danh thắng chưa được xếp hạng. Trong giai đoạn 2018 – 2022 có 05 di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương được cấp với tổng kinh phí 43.403 tỷ đồng. Một số di tích đã huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ tôn tạo như: Chùa Nậm Dầu, Chùa Sùng Khánh, Đền Quan Hoàng và Chùa Quan Âm...
Việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định 2561 và Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện hiệu quả. Đa số người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia đầy đủ, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Là lực lượng nòng cốt đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến thôn, bản, hộ gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các sở, ngành cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị với Trung ương, tỉnh một số vấn đề như: Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc giá về văn hóa đề tiến hành lựa chọn các di sản, di tích ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo. Cần có các thông tư quy định, hướng dẫn về chế độ chính sách cho các nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể để động viên, tiếp tục sưu tầm và truyền dậy cho thế hệ kế cận. Có cơ chế chính sách, chế độ ưu đãi, tôn vinh nhằm khuyến khích các nghệ nhân là người dân tộc thiểu số làm công tác sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục hướng dẫn thực hiện công tác kiểm kê chuyên đề các loại hình di sản văn hóa phi vật thế của dân tộc thiểu số để nghiên cứu, sưu tầm, nhận diện và có biện pháp bảo tồn kịp thời đối với những di sản đã và đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp. Cho chủ trương xây dựng đề án hoặc chương trình nghiên cứu tổng quan, tìm hiểu về nghề dệt của 08 dân tộc thiểu số để bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Đề nghị Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn chi tiết về quy định Tết các dân tộc thiểu số hoặc có văn bản đề nghị địa phương quy định Tết các dân tộc thiểu số để địa phương có cơ sở chi hỗ trợ Tết cho Người có uy tín theo quy định. Sớm ban hành bộ tài liệu, giáo trình chung phục vụ cho công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Nghị quyết quy định về chế độ chính sách hỗ trợ phụ cấp cho người có uy tín bằng mức lương cán bộ không chuyên trách cấp thôn từ 0,8 – 1,0% mức lương tối thiểu trên tháng để thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, xã hội, có chính sách bồi dưỡng đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí kinh phí thực hiện công tác trùng tu tôn tạo di tích, danh thắng trên địa bàn quản lý. Chủ động huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo.
Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh Mua Hồng Sinh phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo các Sở, ngành, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng hoặc công nhận các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số; công tác quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa; công tác thông tin, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số; việc tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thông tin, tuyên truyền và công tác bảo tồn, phát huy văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số; công tác truyền dậy và xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số; công tác bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; công tác bảo tồn nghề thủ công truyền thống; bảo tồn làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc; việc hỗ trợ đầu tư điểm du lịch, làng văn hóa du lịch tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số; phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; công tác thông tin tuyên truyền bài trừ những hủ tục lạc hậu có hại đến đời sống văn hóa; công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; công tác bình chọn, lập danh sách người có uy tín; việc thực hiện chính sash đối với người có uy tín; công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín…
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bùi Quang Trí kết luận buổi giám sát. Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bùi Quang Trí ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm của các sở, ngành trong việc thực hiện bảo tồn các di sản. Đồng thời cũng đề nghị Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh trình ban hành các cơ chế, chính sách bảo tồn di sản văn hóa kịp thời; phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh xây dựng các văn bản chống xâm hại các di sản văn hóa; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phụ trách di sản; phối hợp với UBND huyện Đồng Văn tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong khu di tích Phố Cổ, huyện Đồng Văn; phối hợp với ngành tài chính bố trí kinh phí thực hiện bảo tồn các di sản, di tích đã được xếp hạng để phát huy giá trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh đến người dân.
Việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định 12/2018/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn cho người có uy tín; cán bộ cấp xã; phối hợp tốt với chính quyền trong việc bình xét, phê duyệt danh sách người có uy tín đảm bảo kịp thời; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn.
Lan Phương