Sáng ngày 23/5/2014, Quốc hội thảo luận tổ về đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, giải pháp cân đối ngân sách nhà nước năm 2013.

Đ/c Thào Hồng Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Hà Giang phát biểu thảo luận tại tổ Tại tổ 17 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh (Kiên Giang, Bình Phước, Hà Giang), các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về thực hiện mục tiêu tổng quát năm 2013, về các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nhưng chưa vững chắc, phân tích kỹ các chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, nguyên nhân chủ quan và khách quan; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; Dự báo những tháng còn lại năm 2014, nhất là tác động không thuận từ các sự kiện do chủ quyền quốc gia trên vùng biển nước ta bị xâm phạm từ đầu tháng 5/2014; phân tích, đánh giá tình hình, đề ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trong tình hình mới để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014.
Về thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013 và triển khai thực hiện dự toán ngân sách 2014, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết quả thu chi ngân sách năm 2013, tồn tại, hạn chế; những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; về sự khác nhau trong các phương án cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 giữa Chính phủ và Ủy ban Tài chính – Ngân sách; đánh giá về tình hình phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, kết quả thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Đ/c Nguyễn Ngọc Hải - ĐBQH khóa XIII tỉnh Hà Giang phát biểu thảo luận tại tổ
Trưởng đoàn ĐBQH Thào Hồng Sơn, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hải phát biểu thảo luận tập trung vào một số nội dung cụ thể là: Về những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã được nêu rõ trong báo cáo của chính phủ; nhưng việc các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá nợ công của nước ta đã ở ngưỡng báo động đỏ cần được xem xét, nghiên cứu đánh giá chính xác; Quốc hội chưa có cơ chế chuyên gia độc lập để đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách nhà nước mà chủ yếu dựa vào báo cáo của chính phủ, do đó trách nhiệm của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá nghị quyết của Quốc hội chưa được cải tiến, đổi mới; tình trạng số liệu báo cáo của các Bộ, ngành chưa thật chính xác, thường xuyên thay đổi... Nên báo cáo của chính phủ đã thực sự là số liệu chung nhất chưa? tình trạng nợ đọng thuế, nợ đọng xây dựng cơ bản ngày càng tăng; về thu ngân sách, bình quân một ngày cả nước thu khoảng 2.400 tỷ đồng, nhưng bình quân cả nước chi một ngày khoảng 3.000 tỷ đồng, như vậy thu chưa đáp ứng nhu cầu chi là rất khó khăn... Trong khi đó tình hình biển đông đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển Kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách; do đó đòi hỏi chính phủ cần phải tiếp tục điều hành linh hoạt, kiên quyết xử lý nợ đọng, đẩy mạnh cải cách hành chính (xây dựng dự thảo luật hành chính công trình Quốc hội xem xét thông qua); xem xét đánh giá, phân tích tình hình của các vùng miền để có chiến lược, cơ chế chính sách đầu tư, phát triển phù hợp, nhất là đối với các vùng, miền đặc biệt khó khăn; vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cần được đánh giá lại để có giải pháp hiệu quả; quan tâm xem xét và có cơ chế bảo lãnh cho các tỉnh nghèo vay vốn đầu tư cho các công trình đang phải giãn, hoãn; đối với việc người dân sang Trung Quốc lao động làm thuê, nhưng chưa được quản lý và bảo vệ về quyền, lợi ích hợp pháp, đề nghị chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm có giải pháp để có cơ chế hợp tác với phía bạn.
Để nguồn vốn tín dụng tuôn chảy và tác động đến nền kinh tế phải có giải pháp đồng bộ như: cải cách thủ tục hành chính về công chứng, đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân, doanh nghiệp, tập trung đầu tư và cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp, hiện nay các nguồn vốn khả dụng của ngân hàng còn dư lớn; đề nghị chính phủ có chỉ đạo đầu tư cho một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng như đẩy nhanh tiến độ làm đường tuần tra biên giới, đầu tư cho ngư dân trên biển ra khơi vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc./.