Tiếp tục chương trình giám sát về việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, ngày 24 và 25/5/2023, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Pháp chế làm trưởng đoàn cùng các thành viên đã có buổi làm việc với UBND huyện Mèo Vạc.
Huyện Mèo Vạc là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, với 17 xã, 01 thị trấn, trong đó có 03 xã có đường biên giới giáp với Trung Quốc; có 182/199 thôn và tổ dân phố thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Huyện có 12 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, 04 hội đặc thù, 56 đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảo bảo chi thường xuyên, 01 đơn vị tự đảm bảo 30% chi thường xuyên, 01 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Từ năm 2018 đến 31/12/2022, thực hiện các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện; triển khai thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP trên địa bàn huyện theo đúng hướng dẫn, quy định. Huyện đã sắp xếp, tổ chức lại 04 đơn vị trường học gồm: Trường Tiểu học và trường THCS xã Pải Lủng thành trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Pải Lủng; trường Tiểu học và trường THCS xã Lũng Pù thành trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Pù; trường Tiểu học xã Pả Vi thành trường PTDTBT Tiểu học Pả Vi. Sau khi sáp nhập các trường Pải Lủng, Lũng Pù, số lượng biên chế đã giảm 02 Hiệu trưởng, 04 Phó hiệu trưởng, 01 y tế, 02 thư viện.
Huyện đã xây dựng Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập, sau khi sắp xếp vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp không có sự thay đổi nên vẫn thực hiện theo đề án vị trí việc làm chung của các đơn vị sự nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt. Số lượng, vị trí việc làm của các đơn vị công lập sau khi được sắp xếp lại là 08 vị trí, từ năm 2018 đến 31/12/2022, huyện đã tuyển dụng 85 viên chức, trong đó có 81 viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo, 04 viên chức thông tin; tổng biên chế được giao năm 2018 là 1.773 người, sử dụng 1.677 người; tổng biên chế năm 2022, tổng số biên chế được giao là 1.667 người, sử dụng 1.469 người. Hằng năm, UBND huyện đã tiến hành rà soát và xây dựng ban hành kế hoạch về chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ - CP của Chính phủ. Qua rà soát, huyện Mèo Vạc có 57 công chức, viên chức theo danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi. Trong giai đoạn 2020 - 2022, huyện đã thực hiện chuyển đổi vị trí việc làm 26 người bằng hình thức điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người phải chuyển đổi vị trí công tác quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc báo cáo tại buổi giám sát.
Tại buổi làm việc, UBND huyện và ngành chuyên môn đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc sau khi sáp nhập các đơn vị trường học là thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dậy học, ăn nghỉ của học sinh; các đơn vị sự nghiệp công lập nguồn thu sự nghiệp ít, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước; cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước về cơ bản vẫn thực hiện theo biên chế; chưa xác định mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện. Việc tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp không đạt so với kế hoạch đề ra do không có đủ nguồn; một số vị trí tuyển dụng không có hoặc có ít người đăng ký, dự tuyển nhất là tại các vị trí giáo viên tiếng anh, âm nhạc, mỹ thuật…; việc giao chỉ tiêu số lượng người làm việc của các đơn vị trường học trên địa bàn huyện còn thiếu giáo viên thực hiện theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc chuyển đổi vị trí công tác từ xã này sang xã khác gây khó khăn trong việc tiếp cận công việc mới đối với người được chuyển đổi vị trí các xã nằm xa nhau, đi lại khó khăn, mỗi nơi có phong tục, tập quán riêng, cán bộ là người từ xã khác…; đa số nhân viên kế toán các phòng, ban của huyện đều là kiêm nhiệm vì thế, nếu chuyển đổi kế toán từ phòng, ban này sang phòng ban khác sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công việc. Ngoài ra, một số công chức, viên chức đang công tác ở vùng khó khăn đang được hưởng chính sách thu hút do đó có tâm lý e ngại không muốn chuyển công tác đến xã không được hưởng chính sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập; số lượng, vị trí việc làm của các đơn vị công lập sau khi được sắp xếp lại; việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập; số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thành lập Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; việc tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp không đạt so với kế hoạch đề ra; giải pháp đối với việc tuyển dụng đối với giáo viên dậy các bộ môn tiếng anh, âm nhạc, mỹ thuật; việc điều động, chuyển đổi vị trí đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thủy đề nghị huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc sáp nhập, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ - CP trên địa bàn huyện. Làm tốt công tác rà soát, sắp xếp chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo đúng quy định; công khai, minh bạch trong quá trình chuyển đổi vị trí công tác.
Lan Phương