Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, trong hơn 9 tháng của năm 2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh ta còn ở mức thấp. Để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành có giải pháp căn cơ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tỷ lệ giải ngân ở mức cao nhất.
Công trình kè chống sạt lở bờ Đông đoạn từ cầu Yên Biên 1 (thành phố Hà Giang) về phía thượng lưu đang đẩy nhanh thi công
Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh có nhiều giải pháp triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong đó, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021 và vốn chuyển nguồn năm 2020; nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân kế hoạch vốn. Đặc biệt, tâp trung chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư và các nhà thầu. Tuy nhiên, tính đến 22.10.2021, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân 1.689,622/4.062,124 tỷ đồng, đạt 41,59%. Trong đó, giải ngân nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương 635,6/1.486,17 tỷ đồng, đạt 42,77% kế hoạch; giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương 740,461/2.055,26  tỷ đồng, đạt 36,02% so với kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2020 sang năm 2021 là 271,9/465,69 tỷ đồng, đạt 58,39%. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt khá cao, như: Quang Bình 72,7%, Quản Bạ 71,4%, Hoàng Su Phì 65,8%, Bắc Quang 63,8%...; có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50%, gồm: Mèo Vạc 39,4%, Đồng Văn 41,6%, thành phố Hà Giang 42%, Xín Mần 40,2%, Vị Xuyên 49,6%... 

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công được nhận định do: Dịch bệnh Covid- 19 kéo dài nên việc huy động nhân công, vật lực, tổ chức thi công gặp khó khăn trong khi việc triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với các dự án khởi công mới; cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều bất cập. Cùng đó là trách nhiệm, năng lực của một số chủ đầu tư yếu, còn tư tưởng tập trung thi công, dồn khối lượng hoàn thành để nghiệm thu, thanh toán vào những tháng cuối năm; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thời tiến diễn biến bất thường cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện các dự án…

Anh Nguyễn Song Tứ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT, cho biết: Mặc dù gặp khó khăn với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng bằng sự chủ động, quyết liệt trong đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; kịp thời báo cáo UBND tỉnh những vướng mắc phát sinh để có giải pháp khắc phục nên đến nay Ban đã giải ngân đạt 72% nguồn vốn giao và phấn đấu đến 31.12 sẽ giải ngân 100% vốn giao của năm.

Với quyết tâm giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất, trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và chủ đầu tư có kế hoạch, báo cáo tiến độ giải ngân chi tiết theo từng tuần, tháng, từng công trình. Chủ động rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án quyết toán, hoàn thành chưa quyết toán, chuyển tiếp chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án đã phê duyệt quyết toán và các công trình, dự án quan trọng khác còn thiếu vốn có khối lượng để giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài Chính, Kho bạc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư; tham mưu đẩy nhanh tiến độ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để khởi công mới và giải ngân tối đa các dự án triển khai; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ quyết toán đối với các dự án hoàn thành quá thời hạn quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường linh hoạt, phối hợp với các cấp, ngành, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, định giá đất, tránh những tác động tiêu cực đến tiến độ thực hiện dự án, công trình.

Các cấp, ngành đôn đốc tiến độ thi công các dự án, chú ý các dự án sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng Nông thôn mới, kiên cố hóa trường, lớp học; rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về đầu tư công, xây dựng, tài nguyên, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công, đảm bảo minh bạch, kịp thời. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định; tăng cường kiểm soát chi bằng chứng từ điện tử và chữ ký số; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, không để ảnh hưởng, làm chậm tiến độ giải ngân các dự án…

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao trong đôn đốc gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với từng dự án, công  trình; hy vọng công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh ta sẽ “cán đích”, đạt tỷ lệ cao nhất theo kế hoạch đề ra.
                                                          Hoàng Ngọc