Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động

Sáng ngày 26.10, thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang, ĐBQH Vương Thị Hương, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Xín Mần, Uỷ viên Hội đồng dân tộc Quốc hội khóa XV đã phát biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Theo đó, đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung được đề cập trong dự án Luật Cảnh sát cơ động và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, nhằm cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng một số lực lượng trong CAND, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, phục vụ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tình hình hiện nay; đồng thời khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013.
 
Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương phát biểu thảo luận trực tuyến
 
Ngoài ra, đại biểu đã tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, tại Điều 9 của dự án Luật quy định về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, tuy nhiên chưa quy định cụ thể phạm vi hoạt động của Cảnh sát cơ động. Thực tế lực lượng Cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, vị trí đóng quân được bố trí tại các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước. Do đó, kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của CSCĐ để không xảy ra trùng hoặc chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị cảnh sát cơ động và giữa cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 
Cũng tại Điều 9 dự án luật, Đề nghị giải trình việc quy định một trong những nhiệm vụ của CSCĐ là "tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ". Thực tế hiện nay trong CAND, việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ được giao cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giữ vai trò nòng cốt; mặt khác tại Điều 3 dự án Luật quy định: CSCĐ được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện biện pháp vũ trang trong bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng CSCĐ đối với nhiệm vụ "tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ" để không xảy ra sự chồng chéo, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với tính chất vũ trang chiến đấu của CSCĐ, cũng như phù hợp với quan điểm về xây dựng lực lượng, phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
 
Thứ hai, về quy định quyền hạn của cảnh sát cơ động: Đề nghị ban soạn thảo làm rõ việc quy định quyền hạn cho Cảnh sát cơ động tại khoản 3 Điều 10 của dự án Luật là được “Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động”. Hiện nay, theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ, Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao chủ trì thực hiện công tác quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay. Như vậy, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để phân định rõ trách nhiệm quyền hạn của CSCĐ và của lực lượng quân đội đối với vấn đề này, tránh sự trùng lắp, chồng chéo.
 
Thứ ba, tại Điều 13 Quy định về mô hình tổ chức Cảnh sát cơ động, Dự án Luật đề xuất 02 phương án. Qua nghiên cứu, tôi nhất trí với phương án 1 quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Không nhất thiết phải quy định rõ về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động. Việc quy định cụ thể cơ cấu lực lượng được thực hiện tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của CSCĐ, bảo đảm tính linh hoạt trong việc xây dựng, hoàn thiện mô hình CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thứ tư, tại điều 19 Dự án luật quy định: Phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. tôi kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về phạm vi phối hợp giữa CSCĐ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ tại Điều 19.
 
Thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thời gian qua, đặc biệt là trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng phải phối hợp chặt chẽ với nhiều lực lượng, cơ quan, ban ngành, địa phương; do đó cần thiết phải quy định cụ thể phạm vi phối hợp của CSCĐ để một mặt phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mặt khác tạo hành lang pháp lý để lực lượng CSCĐ thực hiện công tác phối hợp.
Hoàng Huyền