Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang giám sát Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Tài chính

* Buổi sáng, ngày 22/12/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã thực hiện giám sát chuyên đề “Về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính.

Trưởng Đoàn giám sát đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang; đồng chí Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đồng chí Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thanh tra tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 
Đồng chí Nguyễn Thế Bình, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến.
 
Qua báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tính đến tháng 11/2022, tỉnh Hà Giang có tổng số 820 cơ sở giáo dục; 304/615 trường đạt chuẩn quốc gia; 13 trường PTDT nội trú và 191 trường PTDT bán trú, 84 trường có học sinh bán trú; tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp học toàn tỉnh đạt 61,52%. Nhìn chung, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Hà Giang được quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương vừa đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc và nhân dân các địa phương vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Công tác triển khai, tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên địa bàn tỉnh được ngành giáo dục nghiêm túc thực hiện, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời triển khai các văn bản liên quan; tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh các văn bản về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và sách giáo khoa bằng nhiều hình thức, các kênh khác nhau. Tính đến tháng 12/2022, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đầy đủ kịp thời đảm bảo theo đúng tiến độ, lộ trình và theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc thực hiện các Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh; kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy nhiên, với địa hình là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang đã gặp phải một số hạn chế như: Thiếu giáo viên dạy môn Tin học, Ngoại ngữ cấp Tiểu học; trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ gây khó khăn cho công tác triển khai; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đổi mới Chương trình GDPT 2018 lớn nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế; cha mẹ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động học của học sinh tại gia đình.
 
Đồng chí Phạm Thuý Chinh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang đề nghị các Sở ngành làm rõ một số nội dung.
 
Phát biểu thảo luận tại buổi giám sát, đoàn giám sát đề nghị các Sở cần giải trình, làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế đã nêu. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo đánh giá cụ thể mức độ phù hợp của Chương trình giáo dục thổ thông 2018 so với điều kiện thực tiễn của tỉnh Hà Giang về trình độ giáo viên và khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh; những khó khăn, vướng mắc trong việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương; giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thiếu biên chế trong ngành giáo dục; chất lượng y tế học đường hiện nay; đề xuất thêm các giải pháp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp; công tác triển khai thi thăng hạng cho giáo viên;…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn của ngành. Để có căn cứ đánh giá tổng thể toàn diện việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện, bổ sung báo cáo theo các kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát, đặc biệt là đối với những tồn tại, hạn chế, phương hướng giải quyết cần đánh giá cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của địa phương hơn; chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh chiến lược, lộ trình tổng thể về các nguồn lực tài chính, nhân lực để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiệu quả. Sở tài chính cần quan tâm, căn cứ vào nguồn lực của tỉnh, đảm bảo định mức, kinh phí cao nhất cho ngành giáo dục. Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề biên chế, chế độ ưu đãi cho giáo viên trên địa bàn tỉnh.

* Buổi chiều, ngày 22/12, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục giám sát về chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đối với Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viên đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi) và Sở Tài chính.

Tham gia giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh có đại diện: Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, đại diện các Sở, ngành: Thanh tra tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với các sở ngành và địa phương chủ động tham mưu, chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổng nguồn lực ngành Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh huy động kinh phí từ nguồn NSNN phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022 là 666.048 triệu đồng; kinh phí đã thực hiện cho công tác phòng chống dịch là 616.596 triệu đồng gồm: Kinh phí mua thuốc, vật tư, hóa chất, kit thử, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch, chi trả các chế độ theo quy định….; kinh phí từ các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách là 32.228 triệu đồng; từ các nguồn viện trợ ngoài nước là 50.866,9 triệu đồng; từ nguồn xã hội hóa là 8.508 triệu đồng và một số trang thiết bị, vật tư y tế. Ngoài ra, trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành y tế đã huy động mọi nguồn nhân lực y tế có thể để tham gia các hoạt động phòng chống dịch, công tác phòng chống dịch rất hiệu quả, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng tiếp tục được củng cố, từng bước dần ổn định và đi vào hoạt động ngày càng chủ động, chuyên nghiệp. Thường xuyên quán triệt về tư tưởng cho cán bộ y tế nhằm giúp ổn định tâm lý và động viên khuyến khích cán bộ công nhân viên chức và người lao động nhiệt tình trách nhiệm, gắn bó với công việc và đơn vị; các chỉ tiêu về y tế, chăm sóc sức khỏe cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết HĐND và Quyết định của UBND tỉnh đã giao cho ngành y tế theo dõi, thực hiện.

Đối với Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách để bổ sung nguồn lực thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19; tham mưu tạm cấp, bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách để mua kit xét nghiệm, vật tư, hoá chất, sinh phẩm, phương tiện và trang thiết bị y tế; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp bệnh viện thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến và hỗ trợ các lực lượng tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid 19 trong tỉnh với tổng kinh phí đã phân bổ là 544.237/602.197 triệu đồng.
 
Lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Hà Giang phát biểu trao đổi thảo luận.
 
Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực để phòng chống dịch còn hạn chế; việc phân bổ nguồn lực trong giai đoạn đầu chưa được kịp thời; chất lượng giám sát, quản lý, điều trị chưa đạt như kỳ vọng; còn để xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác phòng chống dịch… Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng còn bất cập như: Một số trung tâm và trạm y tế gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng; cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm y tế tuyến xã thiếu và lạc hậu. Toàn ngành còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên khoa sâu làm công tác y tế dự phòng cũng như trong khám, chữa bệnh. Số nhân viên y tế, nhất là bác sĩ tại tuyến xã ngày càng giảm do nghỉ hưu, thôi việc nhưng không tuyển được nhân sự thay thế, bổ sung. Nguồn lực tài chính cho hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế hiện hành chưa khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc. 
 
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã đề nghị Sở Y tế, Sở Tài chính và Sở Nội vụ trao đổi, giải trình, làm rõ một số nội dung như: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 29 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch tập trung vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập để kiến nghị tháo gỡ; vấn đề sai phạm trong việc đấu thầu thời gian qua, những vướng mắc, bất cập về quy trình, thủ tục đấu thầu trong y tế hiện nay cũng như các quy định, chính sách về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch để đoàn giám sát có cơ sở kiến nghị Trung ương; bổ sung các đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hoạt động nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong phòng chống dịch (nói chung) và phòng chống Covid-19 (nói riêng); khó khăn, vướng mắc việc tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở hiện nay; hiệu quả sáp nhập đơn vị hành chính sự nghiệp và việc thực hiện cơ chế tự chủ; đề xuất để nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở tại địa phương; công tác thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng sinh con ở vị tuổi thành niên đang có chiều hướng gia tăng; những khó khăn, vướng mắc khi trích lập các khoản dự phòng ngân sách, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, quỹ dự trữ tài chính, các nguồn kinh phí huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; việc xử lý, giải quyết các khoản tạm cấp, tạm ứng, hoàn ứng phục vụ phòng, chống dịch; công tác hướng dẫn quy trình mua sắm, đấu thầu tài sản, vật tư, thiết bị y tế và việc xử lý, sắp xếp tài sản sau khi kết thúc nhiệm vụ chống dịch; thực trạng giá thuốc và giá vật tư y tế hiện nay; quan điểm và hướng giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh về việc ghép chức danh y tế thôn bản với các chức danh khác ở thôn, bản.
 
Đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị.
 
Phát biểu kết luận, đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang đề nghị Sở Y tế bám sát đề cương giám sát của đoàn, hoàn thiện báo cáo, trong đó tập trung bổ sung thêm các số liệu và đánh giá chi tiết, cụ thể các kiến nghị của Sở; Sở Tài chính tham mưu cho tỉnh chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách cho công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm bổ sung kinh phí cho trạm y tế xã. Đối với các kiến nghị tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn ĐBQH, đồng chí ghi nhận, tiếp thu và tổng hợp gửi các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
Hoàng Huyền