Chất vấn Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch - Bế mạc Phiên chất vấn thứ 14 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp tục nội dung chương trình Phiên họp thứ 14 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Phiên họp dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Tham dự phiên chất vấn có các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quốc; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Phiên chất vấn sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội.
 
Điểm cầu Phiên chất vấn chiều ngày 10/8/2022 tại Hà Nội.
 
Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành và đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang.
 
Điểm cầu tỉnh Hà Giang.
 
Theo đó, nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch. Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
 
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cử tri cả nước nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành được trách nhiệm của mình trên phương diện quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với phương châm xuyên suốt đặt ra là phải quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến để tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành đã có các chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Kết luận của Tổng bí thư với 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp. Thành công của SEA Games trên nhiều phương diện đã mang lại một hiệu ứng tốt để góp phần cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Du lịch đã có bước phát triển sau đại dịch Covid-19, lượng khách nội địa và lượng khách quốc tế bắt đầu tăng. Ngành đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa để tạo ra điểm đến du lịch hấp dẫn như: Lễ hội Tiếng hát Làng Sen, Đờn ca tài tử, Liên hoan Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông…

Tại Phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn và tập trung tranh luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị các Bộ ngành liên quan trả lời làm rõ các giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch; giải pháp để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững;giải pháp đào tạo lực lượng lao động ngành du lịch; giải pháp để ngành du lịch phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, phát triển du lịch xanh và bền vững; đảm bảo sự liên kết, phối hợp trong hoạt động du lịch; giải pháp để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 trong thời gian tới;đề nghị làm rõ về tình trạng và trách nhiệm đối với di tích bị biến dạng được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo;giải pháp căn cơ nào nhằm khắc phục tình trạng di lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư nguồn lực cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.. Trách nhiệm của Bộ VHTTDL về xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; đề nghị cho biết rõ hơn về nguồn lực con người và chi phí dành cho các hoạt động gia đình; văn hóa học đường; văn hóa gia đình cũng đang bị xâm hại; khắc phục sự suy thoái trong văn hóa ứng xử; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội; cần làm gì để việc cưới, việc tang được tổ chức văn minh hơn…

Sau khi nghe các Bộ trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì chúng ta phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với công tác bảo tồn các di tích gắn với du lịchlà một nội dung quan trọng. Du lịch không phải chỉ có gắn với di tích, nhưng đây là một thế mạnh của chúng ta…Trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương rồi đến Bộ. Vấn đề tu bổ, bảo tồn di tích thì phải có một tiêu chí cứng, bắt buộc bộ, ngành nào vẫn phải theo nhưng quy định theo hướng phân cấp và kèm theo quy trách nhiệm. Như vậy các di tích văn hóa ở các địa phương mà bị xâm phạm thì câu hỏi đầu tiên sẽ là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương như các đại biểu đã có ý kiến, đặc biệt là rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân. Một mặt chúng ta phải cải thiện cái môi trường du lịch. Môi trường ở đây không chỉ đơn giản là môi trường ô nhiễm, mà môi trường du lịch ở đây rộng hơn, tức là tránh được các nỗi sợ của du khách nước ngoài và kể cả du khách trong nước. Cả nước và nhiều địa phương đã có những lúc phát động những phong trào bây giờ mỗi người dân cho du lịch một nụ cười hay mỗi người dân một đại sứ du lịch. Điều này rất quan trọng và gắn với phong trào phát động, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Liên quan đến văn hóa trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản trả lời trực tiếp với các đại biểu Quốc hội.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời tại Phiên chất vấn.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên chất vấn.
 
Bế mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và đánh giá cao phần trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành. Phiên chất vấn đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, được đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an cần xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 96/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các Nghị quyết khác của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới, khó, những thách thức an ninh phi truyền thống làm cơ sở xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh nhuệ, chính quy, hiện đại vào năm 2030. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm và không để oan sai. Chủ động, thường xuyên nắm chắc và dự báo sát đúng tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phương án về tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, có phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến và địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh thi hành Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm tốt công tác rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet, quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, xử lý tình trạng sim rác. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam, bóc gỡ các video, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới…Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc tin giả tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước.Đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, bắt đầu từ ngày 1/1/2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi)…

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch, như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch. Tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch; khẩn trương ban hành quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình này. Rà soát, đánh giá việc triển khai Luật Du lịch năm 2017 và pháp luật có liên quan, chú trọng cụ thể hóa các quy định về tăng cường hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Sớm cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của quỹ. Có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Lan Phương