Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Phía bắc Hà Giang có đường biên giới 277,5 km với Trung Quốc; phía đông, tây và nam Hà Giang giáp với các tỉnh có tiềm năng du lịch như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh. Hà Giang là một vùng đất có tiềm năng rất lớn về du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Cùng với đó là lợi thế tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và nhiều địa bàn nội địa có tiềm năng phát triển du lịch như Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng… Hà Giang còn có bản sắc văn hoá của cộng đồng với 19 dân tộc anh em, được bảo lưu khá tốt. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, có thể nói Hà Giang có rất nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước như: Du lịch thăm quan nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Với những lợi thế đó, du lịch Hà Giang đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh-quốc phòng. Toàn tỉnh hiện nay đã có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng 16 làng văn hóa, du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận và hoạt động hiệu quả. Du lịch Hà Giang trong những năm qua đã có đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh với thành tích năm 2022 đạt trên 2,2 triệu lượt khách tới thăm quan, thu được trên 4.300 tỷ đồng (giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19). Đặc biệt trong những năm vừa qua, Hà Giang đã và đang triển khai một số hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch tạo được ấn tượng mạnh như “Hành quân theo bước chân anh”, Marathon “Hành trình biên cương Xanh”, Lễ hội ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội hoa Tam giác mạch… Các chương trình giúp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo dựng hình ảnh, vị thế, uy tín của du lịch Hà Giang đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, các chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa, gắn với vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp, người dân và du khách trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Hà Giang thân thiện, mến khách cũng đang được đẩy mạnh.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang đã có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2022 xác định đột phá Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là một trong ba đột phá giai đoạn 2020- 2025; cụ thể hoá nghị quyết đại hội, ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển Du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, Nghị quyết đã chỉ rõ các nội dung: (1) Chú trọng phát triển du lịch phải phát huy được tối đa tiềm năng lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; bảo tồn được văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; (2) Đẩy mạnh hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; hình thành một số khu du lịch dịch vụ tổng hợp, có quy mô lớn; (3) Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Hà Giang; (4) Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Theo kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 16/2/2022, Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận; mục tiêu đến năm 2025 Hà Giang sẽ đón được 3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% GRDP của tỉnh, tạo ra 28.200 việc làm. Trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Giang phấn đấu đưa di sản địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia, đón trên 5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 20.600 tỷ đồng đóng góp 14,34% GRDP của tỉnh.
Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu nêu trên, tỉnh Hà Giang nói chung và ngành du lịch nói riêng cần phải vượt qua một số thách thức. Hà Giang còn thiếu định hướng chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển sản phẩm du lịch biên giới; khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch chưa cao, hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm biên giới với thị trường trong nước và quốc tế còn hạn chế. Do vậy, Hà Giang cần chú trọng cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp hài hòa với văn hóa bản địa; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý cho phát triển du lịch biên giới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; tập trung, hình thành các sản phẩm du lịch khác biệt; nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm; chú trọng bảo vệ tài nguyên môi trường trong hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Hà Giang đã chỉ ra, phát triển du lịch cộng đồng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Căn cứ theo kế hoạch 43/KH-UBND, có thể thấy bên cạnh những yêu cầu về bảo tồn văn hóa truyền thống, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng các sản phẩm du lịch cộng đồng, thì khả năng quản lý và liên kết với các doanh nghiệp lữ hành cũng cần được chú trọng đầu tư. Như kinh nghiệm của một số khu du lịch trong nước và quốc tế đã chỉ ra, một trong những giải pháp hiệu quả giúp nâng cao khả năng quản lý, tính liên kết, và trải nghiệm của khách du lịch là thông qua ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, xu hướng chung hiện nay của ngành du lịch là đang chuyển dịch từ du lịch trực tuyến (e-tourism) sang du lịch thông minh (smart-tourism). Du lịch thông minh dựa trên các cơ sở dữ liệu sẽ mang lại những đổi mới trong cách quản lý các địa điểm du lịch và trải nghiệm của du khách: từ việc quản lý mạng lưới giao thông dựa trên dữ liệu tích lũy về tình trạng tắc nghẽn giao thông, điều kiện hạ tầng, đến việc tiếp thị một di tích nổi tiếng cho đối tượng phù hợp dựa trên dữ liệu lịch sử du lịch. Các khả năng kết nối thông qua nền tảng công nghệ số và phân tích dữ liệu có tiềm năng cải thiện chất lượng và tăng sự bền vững của các mô hình du lịch. Ngoài ra có thể nói, những giải pháp về công nghệ số chưa được đề cập nhiều trong định hướng và kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nguồn: Hiệp hội học thuật châu Á
Từ những phân tích nêu trên, để phát huy những tiềm năng vốn có về du lịch thì một trong những yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Hà Giang là cần tiến hành nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, với mục tiêu đến năm 2030, Hà Giang sẽ trở thành một điểm du lịch lớn của khu vực phía Bắc, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của tỉnh. Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng như đã được chỉ ra trong các văn bản định hướng, kế hoạch của tỉnh là một sản phẩm trọng tâm cần đẩy mạnh phát triển trong những năm tới. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Giang trong giai đoạn hiện nay là cấp thiết, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh thông qua việc đánh giá thực trạng, vai trò, hiệu quả, tiềm năng, thách thức của du lịch cộng đồng tại Hà Giang trong thời gian qua, qua đó tính toán, phân tích tác động, đánh giá vai trò của công nghệ số trong phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Giang; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số trong du lịch cộng đồng tại, xây dựng mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ số trong du lịch cộng đồng.
Trương Văn Nam