LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 106

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 83


Hôm nayHôm nay : 9945

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 796998

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25287946

LIÊN KẾT WEBSITE

ĐĂNG NHẬP

Kết quả thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, can thiệp, bài trừ các tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số; một số vấn đề đặt ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Thứ tư - 17/11/2021 22:41
Hà Giang là miền núi, biên giới với 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 87 % là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, đồng bào các DTTS được đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đời sống được cải thiện với nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, hiện nay việc tồn tại các tập tục lạc hậu trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang còn tùy thuộc vào mỗi vùng miền, dân tộc, dân cư sinh sống, có những tập tục lạc hậu riêng và mức độ ảnh hưởng xã hội khác nhau. Về cơ bản, các tập tục lạc hậu chủ yếu tập trung trong các sinh hoạt chính của chu kỳ đời người: hôn nhân gia đình, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sản xuất. Sự tồn tại dai dẳng của các tập tục lạc hậu đã, đang và sẽ là rào cản cho sự phát triển, tiến bộ xã hội.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại Hội thảo

Thời gian qua trên tinh thần chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng văn hóa, tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm cải tiến, bài trừ tập tục lạc hậu lạc hậu. Điển hình nhất là việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã thu được những thành tựu nhất định: hầu hết các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được quy ước, hương ước với quy định cụ thể về chuẩn mực xử sự cho các hộ gia đình, cá nhân trong cộng đồng như: về phát triển kinh tế - xã hội, về nếp sống văn hóa, quy định việc cưới, việc tang, việc lễ, hội; quy định về an ninh, trật tự; quy định về bảo vệ các công trình công cộng, vệ sinh môi trường và bảo vệ phát triển rừng… Việc quản lý bằng quy ước, hương ước, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu các tập tục lạc hậu lạc hậu. Tuy nhiên, do các tập tục lạc hậu tồn tại từ lâu đời, nên công tác cải tiến, bài trừ gặp rất nhiều khó khăn, đa số người dân không tự nhận thức được rằng trong cộng đồng của mình có tập tục lạc hậu và những việc làm của mình là tập tục lạc hậu; cũng có bộ phận người dân biết những tập quán đó là lạc hậu và nhận thức rõ những tác động ảnh hưởng tiêu cực của nó đến đời sống, nhưng không muốn xóa bỏ, nhất là với những tập tục lạc hậu liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh; thậm chí có những tập tục lạc hậu được xóa bỏ một thời gian, sau đó xuất hiện trở lại, có nơi còn phát sinh tệ nạn từ tập tục lạc hậu. Hoạt động của “Hội nghệ nhân dân gian” có 188 Hội cấp xã, 01 Hội cấp huyện với 9.088 hội viên, thuộc ba lĩnh vực: tín ngưỡng dân gian; phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lĩnh vực làm và dạy nghề truyền thống. Hoạt động của người có uy tín giai đoạn 2011 - 2021 có 19.522 lượt người/16 dân tộc được công nhận. Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” đã thực hiện được 16 mô hình/8 huyện, sau khi triển khai giảm trung bình từ 30% trở lên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đề án “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông” đồng thời với công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, đã thúc đẩy việc bài trừ các tập tục lạc hậu trong đời sống đồng bào. Chương trình xây dựng nông thôn mới” trong 19 tiêu chí của 43 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có các tiêu chí về văn hóa, y tế, môi trường liên quan đến việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đã góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu trong đời sống người dân.
 

Toàn cảnh Hội thảo
 
Bài trừ tập tục lạc hậu là một cuộc đấu tranh về tư tưởng, nhằm thay đổi nhận thức đến hành vi của cộng đồng người, quá trình tổ chức thực hiện, đã có những bài học thành công và không thành công. Điều này đặt ra thách thức cho công tác quản lý văn hóa, công tác dân tộc ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Giang. Trong công tác cải tiến, bài trừ tập tục lạc hậu, khó khăn lớn nhất chính là phương pháp, cách thức tiến hành. Mỗi tập tục lạc hậu, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều phải có cách can thiệp riêng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau, không có một “khuôn mẫu chung” áp dụng cho tất cả. Đây là một thách thức cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Mặt khác, cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chí để rà soát, thống kê chỉ rõ các loại tập tục lạc hậu trong trong bào DTTS. Trong thực tế một tập tục có rất nhiều khâu, bước diễn ra, ở đó có nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời cũng có tập tục lạc hậu, điều này cho thấy việc phân biệt giữa tập tục lạc hậu và tập quán tốt đẹp có “ranh giới” rất “mong manh”. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định về tiêu chí chỉ rõ tập tục lạc hậu và quy định các chế tài điều chỉnh hành vi vi phạm tập tục lạc hậu cũng là vấn đề đặt ra trong công tác quản lý.

Về mặt chính sách, cho đến nay, Nhà nước chưa có một chương trình hay chính sách có quy mô tổng thể trong việc hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu, cải tạo, bài trừ tập tục lạc hậu trong đời sống người nhân. Mặc dù về chủ trương, Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên việc cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình, chính sách lại “nhỏ lẻ”, thiếu tính toàn diện: Quyết định số 498/QĐ -TTg  ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có tính bao trùm, nhưng đó là cuộc vận động, không phải là một chính sách.

Thực tế này cho thấy, trong hoạt động điều tiết xã hội của chính sách Nhà nước đối với việc giải quyết vấn đề tập tục lạc hậu trong đời sống nhân dân còn nhiều “khoảng trống”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; nhân rộng đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, mô hình hội nghệ nhân dân gian, truyền dạy văn hóa truyền thống trong các trường học; đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở”, đây chính là “kim chỉ nam” để cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc cải tạo và bài trừ các tập tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.
Phạm Văn Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

VIDEO HOẠT ĐỘNG

KIẾN NGHỊ CỬ TRI


















 





ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Địa chỉ: Số 01, Đường 26/3 - Phường Nguyễn Trãi - Thành phố Hà Giang - Tỉnh Hà Giang
Số điện thoại: 
02193.860.778 - Fax: 02193.860.778
Email: bbt.dbnd@hagiang.gov.vn hoặc 
tttthdndhg@gmail.com