Sáng 16.3.2018, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Công tác đại biểu - UBTVQH tổ chức Hội nghị xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đ/c Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Văn Túy - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH; đại diện lãnh đạo các Đoàn ĐBQH; Thường trực HĐND các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam. Về phía tỉnh Hà Giang tham dự Hội nghị có đ/c Chúng Thị Chiên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đ/c Vương Ngọc Hà - Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Qua 2 năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và cấp ủy Đảng địa phương cùng sự hướng dẫn, giám sát của UBTVQH và hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ, HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Luật quy định. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, thực tiễn tổ chức và hoạt động của HDND các cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn một số hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc. Quy trình, thủ tục ban hành Nghị quyết chưa quan tâm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo nghị quyết, cá biệt có nghị quyết chưa phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu thực tế của địa phương. Việc gửi hồ sơ đến các Ban của HĐND để thẩm tra còn chưa đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp hoặc giám sát lại của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND còn hạn chế và chưa thường xuyên…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định việc xây dựng Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND trong thời điểm này nhằm kịp thời cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức và hoạt động của HĐND như tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII; đồng thời kế thừa và phát triển những quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND đã được thừa nhận trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị: Từ những kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố và yêu cầu thực tiễn, với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung trí tuệ, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập hạn chế, đồng thời đi đến thống nhất được những nội dung cơ bản để xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật thiết thực, hiệu quả.
Đ/c Chúng Thị Chiên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang đã thảo luận về “Thực trạng thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Những kiến nghị, đề xuất cần hướng dẫn tại Quy chế về tổ chức và hoạt động của HĐND đối với hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương” và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, thực hiện tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần sớm rà soát bổ sung, hoàn thiện các luật chuyên ngành. Đồng thời, ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của HĐND các cấp để xác định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ của lãnh đạo Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND trong kỳ họp và giữa các kỳ họp. Đối với các quy định về hoạt động giám sát của tổ đại biểu và đại biểu HĐND, nhiều ý kiến đề nghị: Cần quy định rõ và chi tiết hơn về chủ thể giám sát, trách nhiệm của tổ chức, cơ quan đơn vị các nhân chịu sự giám sát. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND, thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng, thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và vai trò đại biểu của nhân dân...
Hoàng Hiền