Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đầu phiên họp sáng 10/11, với 443 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,96%, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong 5 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này thì Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là một đạo luật mới, lần đầu được Quốc hội xem xét thông qua; 4 luật khác đều là sửa đổi, bổ sung. Việc thông qua Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là một dấu ấn của Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cả nhiệm kỳ khóa XV. Quá trình xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này cũng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tiến hành hết sức dân chủ, thận trọng, trách nhiệm và khẩn trương.
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về bố cục của dự thảo luật, sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật có 6 chương, 91 điều - giảm 1 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.
Nội dung: Chương I. Những quy định chung (gồm 10 Điều); Chương II quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, gồm 04 mục: Mục 1 quy định việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn (từ Điều 11 đến Điều 14). Mục 2 quy định việc nhân bàn và quyết định (từ Điều 15 đến Điều 24). Mục 3 quy định về việc nhân dân tham gia ý kiến (từ Điều 25 đến Điều 29). Mục 4 quy định về nội dung nhân dân kiểm tra và giám sát (từ Điều 30 đến Điều 45); Chương III quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, gồm 04 mục: Mục 1 quy định việc công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị (từ Điều 46 đến Điều 48). Mục 2 quy định việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định (từ Điều 49 đến Điều 52). Mục 3 quy định về việc CB,CC,VC,NLĐ tham gia ý kiến (từ Điều 53 đến Điều 55). Mục 4 quy định về nội dung CB,CC,VC,NLĐ kiểm tra và giám sát (từ Điều 56 đến Điều 63); Chương IV quy định việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, gồm… mục: Mục 1. Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước (từ Điều 64 đến Điều 81); Mục 2. Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động có hợp đồng thuộc khu vực ngoài nhà nước (Điều 82); Chương V. Tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (từ Điều 83 đến Điều 89); Chương VI. Điều khoản thi hành (Điều 90, Điều 91).
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật sẽ góp phần tiếp tục bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước.
Đại Nghĩa