Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 25/10/2022 Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường cho ý kiến vào 02 dự án: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh đã tham gia góp ý đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) cụ thể tại Điều 39 về thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí trong dự thảo luật Dầu khí (sửa đổi) cụ thể như sau:
Tại khoản 2 Điều 39 dự thảo luật quy định "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí hiện hành của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận". Như vậy, nội hàm của khoản 2 chưa phù hợp với tên gọi của điều luật là quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí. Ở đây có thể hiểu là quyền tham gia khác với quyền lợi tham gia trong trường hợp đặc biệt. Khi nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan và đối chiếu với quy định tại Điều 39, từ thực tiễn các quan hệ pháp luật phát sinh, đại biểu cho biết nội dung chính sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 39 có sự khác nhau, cụ thể:
Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi)
Thứ nhất, khoản 1 quy định việc thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, các nội dung, quan hệ, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hợp đồng dầu khí tiếp tục được thực hiện trong điều kiện bình thường với cơ chế xử lý, trình tự, thủ tục tham gia mua lại quyền lợi tương ứng.
Tại khoản 2 quy định việc nhận chuyển giao quyền lợi tham gia trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt, ví dụ như lý do đảm bảo quốc phòng, an ninh và với điều kiện nhà thầu rút khỏi hợp đồng dầu khí khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Về cơ chế xử lý (nhất là cơ chế theo dõi, quản lý tài sản nhận chuyển giao tài sản dưới dạng tài sản đặc biệt này và cơ chế tài chính), quy trình, thủ tục tiếp nhận cũng được thực hiện theo cách đặc biệt (ví dụ như: cơ chế xử lý các chi phí phát sinh có thể hoặc không tiếp tục hình thành nên giá trị tài sản tiếp nhận, cơ chế tăng vốn và giá trị tài sản, hạch toán, kế toán và xử lý hậu quả…).
Việc bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý xử lý hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt (để xử lý các quan hệ phát sinh đã và có thể xảy ra tương tự như một số dự án dầu khí trong thời gian vừa qua) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc chỉ đặt nội dung này thiết kế như một khoản của Điều 39 và áp dụng chung về cơ chế xử lý, thủ tục hồ sơ cùng với trường hợp “thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí” là chưa phù hợp. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác tổ chức thực hiện sau này, đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất và kinh doanh tại doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thiết kế theo hướng: Tách khoản 2 và quy định thành một điều luật riêng về “nhận chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia, các dữ liệu, công trình dầu khí hiện hành của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt”. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận, cơ chế theo dõi, quản lý cơ chế tài chính; quy định trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện điều luật này.
Bùi Tân