Sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị: “Hiện nay, sau khi chuyển sang xếp hạng giáo viên, các giáo viên được thông báo là phải học được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mới đủ điều kiện giữ hạng. Để được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải học các chuyên đề, gồm những kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp, phần lớn nội dung các chuyên đề này đã được học trong trường Sư phạm. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quy định đào tạo và tốt nghiệp ở trình độ nào thì được cấp chuẩn chức danh nghề nghiệp ở trình độ đó”.
Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 2968/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 15/7/2019 “V/v trả lời kiến nghị của cử tri”.
Nội dung trả lời như sau:
Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: “Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí việc làm đó” và “người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó”. Triển khai thực hiện Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, năm 2015, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập (các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV). Theo quy định tại các Thông tư liên tịch nêu trên, giáo viên mỗi cấp học phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng đã được bổ nhiệm; trong đó có tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN”.
Quy định về Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là yêu cầu chung đối với các viên chức, không chỉ riêng đối với viên chức ngành giáo dục. Nội dung các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN nhằm cung cấp, cập nhật kiến thức và các kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng hạng nên không phải là chứng chỉ được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp các trình độ đào tạo ở trường Đại học/Cao đẳng.
Trong thời gian vừa qua, giáo viên sau khi được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp thì phải tham gia học để có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là vì tại thời điểm ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN giáo viên, Bộ GĐ&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ về việc chưa yêu cầu bắt buộc đội ngũ giáo viên phải có đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (trong đó có Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN). Việc cho giáo viên “nợ” các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu tại thời điểm chuyển đổi từ ngạch sang hạng là để tạo điều kiện cho giáo viên được bổ nhiệm, xếp lương ngay vào các hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định. Đồng thời, trong điều khoản áp dụng tại các Thông tư liên tịch nêu trên đều có quy định ‘cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của CDNN giáo viên được bổ nhiệm”./.
Thu Hiền