Sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhận được kiến nghị của cử tri với nội dung: Đề nghị xem xét lại việc in sách giáo khoa cho học sinh, hiện nay do có nhiều nội dung, bài tập học sinh phải làm bài, viết trực tiếp vào sách giáo khoa, nên sách không thể sử dụng lại (sách chỉ dùng được 01 lần), gây lãng phí rất lớn
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri Hà Giang, ngày 14/10/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 5379/BGDĐT-GDTrH về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nội dung trả lời như sau:
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK); tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT). Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng SGK từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng SGK. Như vậy, SGK hiện nay không có phần bài tập làm trực tiếp hoặc dạng ô trống để học sinh viết, điền vào SGK.
Nhằm tăng cường quản lý và sử dụng SGK, sách tham khảo, ngày 10/6/2022 Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu các nhà trường tổ chức tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK, không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền.
Thu Hiền