Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Riêng Bắc Quang là huyện có diện tích và sản lượng cam sành lớn nhất tỉnh. Trong năm 2013 vừa qua, diện tích cam sành cho thu hoạch của huyện Bắc Quang đạt trên 1.100 ha và sản lượng ước đạt 8.500 tấn.
Với giá bán bình quân từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, trong năm 2013 vừa qua, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có nhiều gia đình thu nhập hàng tỷ đồng từ cây cam sành. Vì vậy, cây cam sành đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giúp người dân trên địa bàn của huyện Bắc Quang vươn lên làm giầu.
Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng phát triển cây cam sành theo phong trào không mang tính qui hoạch, quá trình đầu tư thâm canh không đảm bảo qui trình kỹ thuật, bên cạnh đó là dịch sâu bệnh phá hoại…đã làm giảm năng suất và chất lượng của sản phẩm cam sành. Hiện tượng “được mùa - mất giá” vẫn thường xảy ra, gây thất thu cho các hộ gia đình trồng cam.
Đứng trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Giang và huyện Bắc Quang đã đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ gia đình trồng cam với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cam sành (Chương trình phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP). Với mục tiêu đó, huyện Bắc Quang sẽ duy trì diện tích cam sành dọc theo 2 bên bờ sông Bạc, kéo dài từ xã Vĩnh Tuy đến xã Vĩnh Hảo và một phần diện tích của các xã Việt Hồng, Đồng Tâm và Tân Thành. Bên cạnh đó, huyện Bắc Quang có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây cam sành theo hướng đẩy mạnh đầu tư thâm canh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm cam sành. Với những giải pháp đó đã mở ra cơ hội cho các gia đình trồng cam sành của huyện Bắc Quang nâng cao được chất lượng, giá trị của sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế đối với cây cam sành trên địa bàn huyện.
Ông Đinh Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về phục hồi và mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, trong những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã triển khai trồng mới diện tích cam sành sạch bệnh và phục hồi các vườn cam già cỗi. Bên cạnh đó, UBND huyện Bắc Quang đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã và nhân dân trên địa bàn huyện đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất, nhằm giữ vững và từng bước nâng cao uy tín thương hiệu cam sành của huyện.