Trả lời:
Lao động người nước ngoài (chủ yếu là lao động Trung Quốc) vào làm việc trên địa bàn tỉnh thông qua các hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu, nên việc đưa lao động vào làm việc thực hiện theo các hợp đồng kinh tế và nhà thầu đưa lao động sang (số lao động này chủ yếu làm việc trong các đơn vị khai thác khoáng sản, các công trình thủy điện).
Đến tháng 11 năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 22 đơn vị, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài với 230 lao động, quốc tịch Trung Quốc, trong đó:
- Lao động làm việc có thời hạn dưới 3 tháng: 44 lao động
- Lao động làm việc có thời hạn trên 3 tháng: 186 lao động
- Lĩnh vực xây dựng cơ bản (thuỷ điện) có sử dụng lao động người nước ngoài (thông qua nhà thầu chính, thầu phụ và doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với lao động người nước ngoài) là 5 đơn vị, với 94 lao động.
- Lĩnh vực khai khoáng có sử dụng lao động người nước ngoài (thông qua các gói thầu hoặc hợp đồng trực tiếp với lao động nước ngoài) là: 14 đơn vị , với 131 lao động.
- Lĩnh vực khác (thương mại, khách sạn...) 03 đơn vị, với 5 lao động.
Tình hình thực hiện các quy định về tuyển dụng và quản lý lao động người nước ngoài làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp và qua thực tế kiểm tra, đến tháng 11 năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 230 lao động nước nước ngoài, trong đó:
Số lao động người nước ngoài thuộc diện phải cấp phép lao động là: 186 trong đó:
+ Số đã được cấp giấy phép lao động: 101 lao động
+ Số lao động đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động: 24
Chia theo trình độ chuyên môn:
+ Lao động có trình độ trung cấp trở lên: 79 người
+ Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật : 106 người
+ Lao động phổ thông: 45 người
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - TBXH và UBND tỉnh, năm 2011 Ngành Lao động - TBXH đã có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài báo cáo danh sách; đồng thời phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra tình hình quản lý, tuyển dụng lao động người nước ngoài tại các đơn vị, doanh nghiệp. Qua việc kiểm tra cho thấy các đơn vị, doanh nghiệp có quan tâm tìm hiểu và phổ biến cho đối tác các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý lao động người nước ngoài. Một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo quy định; một số doanh nghiệp đôn đốc và hướng dẫn nhà thầu hoàn thiện thủ tục để cấp giấy phép lao động và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp, chủ đầu tư Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu và phổ biến cho đối tác người nước ngoài về các quy định của pháp luật vể tuyển dụng và quản lý lao động người nước ngoài.
Nhiều nhà thầu nước ngoài mặc dầu biết các quy định của pháp luật Việt Nam về tuyển dụng và sử dụng lao động nười nước ngoài, nhưng khi sang Việt Nam làm việc họ cố tình không thực hiện hoặc lấy cớ chưa hoàn thiện giấy tờ để kéo dài thời gian làm việc.
Việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động người nước ngoài; việc khai báo đăng ký tạm trú, tạm vắng của lao động người nước ngoài với cơ quan quản lý địa phương vẫn còn tồn tại.(nhất là lao động làm việc dưới 3 tháng), gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về lao động và làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Về giải pháp quản lý lao động người nước ngoài, nhất là lao động phổ thông.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh giao sở Lao động - TBXH phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp, cụ thể:
- Tuyên truyền phổ biến các văn bản của Trung ương của tỉnh về tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường quản lý lao động người nước ngoài vào làm việc trên địa bàn. Thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh; Công an tỉnh quản lý chặt chẽ việc cấp hộ chiếu, thị thực và giấy thông hành cho lao động người nước ngoài.
- Công an tỉnh Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý việc tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài không đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, không chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời buộc về nước hoặc trục xuất đối với lao động vi phạm theo quy định của Pháp luật.
- Giao Sở LĐTB-XH xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành (trong quý I/2012) Quy chế phối hợp liên ngành về quản lý, tuyển dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh để tạo nên sự phối kết hợp đồng bộ giữa các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý và tuyển dụng lao động người nước ngoài.
* Về ý kiến cử tri huyện Đồng Văn: UBND tỉnh làm việc với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc về vấn đề lao động có yếu tố nước ngoài để có cơ sở bảo vệ người dân các xã giáp biên sang Trung Quốc lao động, làm thuê.
Thực tế hiện nay Việt Nam và Trung Quốc chưa có quy định thỏa thuận về hợp tác lao động. Trung ương cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê, do vậy việc bảo vệ quyền lợi cho lao động tự do sang Trung Quốc làm thuê (trong đó có lao động các xã giáp biên) là rất khó khăn. Thực tế trước đây tỉnh đã cử đoàn công tác sang Trung Quốc làm việc về vấn đề này nhưng phía Trung Quốc không đồng ý. Vì vậy đề nghị chính quyền cơ sở tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ và không tự do sang Trung Quốc làm thuê; tăng cường quản lý lao động vùng biên, xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo lao động sang Trung Quốc làm thuê. Người dân không nên tự do sang Trung Quốc làm thuê vì hiện nay chưa có văn bản thoả thuận để bảo vệ quyền lợi, nếu xảy ra các rủi ro trong quan hệ lao động khi làm thuê tại Trung Quốc thì rất khó giải quyết.