Trả lời:
1. UBND tỉnh đã giao UBND thành phố kiểm tra, xác minh. Kết quả kiểm tra hồ sơ bước đầu cho thấy nội dung kiến nghị đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Nâng cấp Quốc lộ 2 (Đoạn từ Km 287-288+900) do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, hiện nay dự án đã quyết toán xong. Qua xem xét hồ sơ, 04 hộ dân tại số nhà 267, 269, 271, 273 đã có quyết định thu hồi đất tại Quyết định số 2068/QĐ-UB ngày 08/10/1999 của UBND tỉnh tuy nhiên không có tên của các hộ dân nêu trên trong quyết định phê duyệt dự toán đền bù.
Căn cứ kết quả nêu trên, UBND tỉnh giao lại cho Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với UBND thành phố báo cáo rõ nội dung liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho 04 hộ dân nêu trên, và có phương án giải quyết cụ thể trước ngày 15/2/2017.
2. Về việc cấp điện đến các thôn, bản: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương (chủ đầu tư) triển khai dự án điện nông thôn Hà Giang theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020; đồng thời phối hợp với Công ty Điện lực Hà Giang đề nghị Tổng công ty Điện lực Miền Bắc bố trí vốn ngành điện để cùng phối hợp đầu tư các thôn bản chưa có điện lưới quốc gia.
Về việc hỗ trợ xi măng làm đường bê tông, xây dựng nông thôn mới: Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, các cấp, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân cùng tích cực thi đưa, chung sức tham gia thực hiện triển khai Đề án hỗ trợ một triệu tấn xi măng để đầu tư hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.
3. Các dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Vị Xuyên đi các xã Linh Hồ, Ngọc Linh, Bạch Ngọc đã được dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn NSNN tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai thực hiện.
4. Ngày 27/10/2016 tại buổi làm việc với các doanh nghiệp, HTX trồng rừng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao các Sở, ngành chuyên môn tiến hành thanh tra các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh trong Quý I/2017.
5. Ngày 10/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 73/UBND-KT về việc triển khai nhiệm vụ phát triển Vùng kinh tế động lực năm 2017, trong đó giao cho các sở chuyên môn phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục xem xét, quyết định phân cấp, ủy quyền cho các huyện, thành phố Vùng động lực theo quy định. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền Vùng động lực.
6.Hiện nay nguồn vốn đầu tư rất khó khăn, chủ yếu tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. UBND tỉnh đã giao Sở kế hoạch và Đầu tư tổng hợp dự án trên vào nhu cầu đầu tư để xem xét triển khai thực hiện khi đảm bảo các điều kiện về nguồn vốn.
7.Việc tuyển mới cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đều phải tuân thủ đúng quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Chương trình số 15-CTr/TU ngày 19/4/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW; Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 05/7/2016 của UBND tỉnh Hà Giang về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Giang từ năm 2016 đến năm 2021, cụ thể: Tuyển dụng mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc.
8.UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, các cấp, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể tập trung triển khai Chương trình số 302/CTr-UBND ngày 05/12/2016 về tiếp sức khởi nghiệp tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020 để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp với các mục tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể về phát triển các doanh nghiệp mới trong thanh niên, tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
9. Hiện nay, việc cấp đổi giấy phép lái xe mô tô 2 bánh đang được Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với UBND các huyện triển khai tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại địa bàn các huyện, đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Giang chuyển phát hồ sơ, giấy phép lái xe đến tận tay người dân.
Sau khi hoàn thiện thủ tục đổi Giấy phép lái xe, người dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức để nhận kết quả:
- Một là nhận trực tiếp tại Bộ phận giao dịch một cửa thuộc Sở Giao thông Vận tải (địa chỉ 380, đường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang) và nộp lệ phí cấp, đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng theo quy định tại khoản 1, điều 1 Thông tư 73/2012/TT-BTC.
- Hai là nhận tận tay (theo địa chỉ đăng ký) thông qua sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh qua Bưu điện và phải nộp thêm 1 khoản phí cho bưu điện là 55.000 đồng/cái, nên tổng phí phải nộp bằng 135.000 + 55.000 = 190.000 đồng.
Do đó việc thu phí như trên là đúng quy định. Dịch vụ chuyển phát nhanh qua Bưu điện được bổ sung là để tạo thuận lợi và tăng thêm lựa chọn người dân.
10.Theo quy định tại Nghị quyết 42/2010/NQ-HĐND ngày 11/12/2010 của HĐND tỉnh về việc quy định mức trợ cấp ngày công lao động, mức hỗ trợ tiền ăn cho dân quân và phụ cấp Thôn đội trưởng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cán bộ chiến sỹ dân quân khi được huy động làm nhiệm vụ huấn luyện và diễn tập được trợ cấp ngày công lao động bằng 0,008% mức lương tối thiểu chung/ngày/người; trường hợp huy động làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về trong ngày được hỗ trợ tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ bộ binh phục vụ có thời hạn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo quy định của Luật dân quân tự vệ và Nghị định số 58/2010/NĐ-CP kinh phí thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dân quân tự vệ được bố trí từ các nguồn: Ngân sách nhà nước, Quỹ quốc phòng an ninh, Nguồn thu hợp pháp khác.
Đối với nguồn ngân sách nhà nước, Căn cứ định mức phân bổ của Trung ương, UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2010/NĐ-HĐND về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011, áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011 – 2016 với định mức hỗ trợ huấn luyện dân quân hàng năm là 10 triệu đồng/xã/năm.
Trong quá trình thực hiện, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh định mức hỗ trợ cho lực lượng dân quân tự vệ nêu trên còn quá thấp, đề nghị bổ sung, UBND tỉnh căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, lần lượt tham mưu cho HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ thêm ngoài định mức, cụ thể tổng định mức năm 2012 là 20 triệu đồng/xã, năm 2013, 2014 là 25 triệu đồng/xã, năm 2015 là 30 triệu đồng/xã, năm 2016 là 35 triệu đồng/xã.
Để đàm bảo đủ kinh phí huấn luyện dân quân tự vệ (bao gồm kinh phí hỗ trợ ngày công lao động và tiền ăn), ngoài nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước theo định mức nêu trên, các huyện, xã phải sử dụng nguồn thu Quỹ Quốc phòng – an ninh; đồng thời UBND cấp huyện phải căn cứ vào số lượng dân quân của từng xã để phân bổ kinh phí huấn luyện cho phù hợp (Đối với Quỹ an ninh – quốc phòng, huyện được điều hòa nguồn thu Quỹ an ninh – Quốc phòng giữa các xã để đảm bảo nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 2782/2011/QĐ-UBND ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ An ninh – Quốc phòng trên địa bàn tỉnh).
Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao UBND các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ đạo các xã sử dụng kinh phí huấn luyện và nguồn thu từ Quỹ An ninh – Quốc phòng cân đối, chi trả chế độ hỗ trợ cho các đối tượng tham gia huấn luyện dân quân tự vệ nâm 2016 theo đúng mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 42/2010/NQ-HĐND ngày 11/12/2010 của HĐND tỉnh.
Ngoài ra, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2017, UBND tỉnh sẽ tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương mới áp dụng cho thời kỳ ổn định NSĐP giai đoạn 2017 – 2020 tại Kỳ họp thứ Ba HDND tỉnh khóa XVII. Trong đó, sẽ trình HĐND tỉnh xem xét nâng định mức phân bổ đối với nhiệm vụ chi huấn luyện dân quân tự vệ, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ, huấn luyện.
11. Đội ngũ cán bộ làm công tác thú y cấp xã có vai trò quan trọng trong công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hàng năm, Chi cục thú y tỉnh đều có kế hoạch tập huấn cho đội ngũ này, kết quả trong 3 năm (2014 – 2016) đã mở 14 lớp đào tạo cho 618 lượt học viên.
Ngày 05/8/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá nhân viên thú y xã để đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư nêu trên.
Đối với đề nghị nâng mức phụ cấp đối với cán bộ làm công tác thú y xã. Hiện nay cán bộ làm công tác thú y cấp xã, thôn và tổ dân phố hưởng theo chế độ quy định tại Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐND ngày 20/4/2010 và Nghị quyết số 27/2010/NQ-HĐND ngày 9/12/2011 của HĐND tỉnh, cụ thể:
- Cấp xã: Trưởng ban thú y, kiểm dịch động vật hưởng mức phụ cấp 1,0 mức lương tối thiểu/tháng.
- Cấp thôn, tổ dân phố: Nhân viên khuyến nông, khuyến lâm, thú y hưởng mức khoán kinh phí hoạt động 0,4 mức lương tối thiểu/tháng.
Để từng bước nâng mức phụ cấp, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 209/KH-UBND ngày 12/12/2014 thực hiện thí điểm về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 12/12/2014, UBND tỉnh sẽ tham mưu, trình HĐND xem xét, ban hành nghị quyết quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách (trong đó có mức phụ cấp cử tri kiến nghị) trên phạm vi toàn tỉnh thay thế cho các quy định đang áp dụng hiện nay. Mức phụ cấp cụ thể sẽ do HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
12.Việc thực hiện chế độ thù lao đối với các tổ chức hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm, triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành, cụ thể:
- Đối với cán bộ giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách của tổ chức hội là người đã nghỉ hưu: được hưởng chế độ thù lao theo quy định tại Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang.
- Trường hợp không phải là cán bộ về hưu, không phải là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế thì được vận dụng Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang theo hướng dẫn tại Công văn số 3827/UBND-NC ngày 18/2/2012 của UBND tỉnh.
- Đối với các trường hợp khác (nếu có): lương, phụ cấp chi trả cho cán bộ hội do Ban lãnh đạo hội quyết định và tự cân đối kinh phí.
Hiện nay, huyện Quang Bình có 6 tổ chức hội đặc thù cấp huyện, không có hội đặc thù cấp xã. Các tổ chức hội đặc thù được chi trả chế độ theo quy định hiện hành nêu trên.
13.Trên địa bàn huyện Vị Xuyên, số hộ gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở theo Đề án điều chỉnh được UBND tỉnh phê duyệt là 154 hộ, trong đó: làm mới 91 hộ, sửa chữa 63 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ đã cấp cho huyện Vị Xuyên là 3.080 tr.đ/4.900 triệu đồng đạt 62,8% so với Đề án.
Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg do ngân sách Trung ương đảm bảo nhưng đến nay Trung ương chưa bổ sung đủ kinh phí theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt (mới cấp 3.600 triệu đồng, còn thiếu 26.560 triệu đồng).
Để có nguồn kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét cấp bổ sung kinh phí để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án theo quy định.
14. Hiện nay UBND tỉnh đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ-TU ngày 15/4/2016 về phát triển kinh tế động lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020 gồm các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Về cơ chế, chính sách riêng đối với từng huyện, thành phố, UBND tỉnh đã nhất trí và giao cho các huyện, thành phố nghiên cứu đề xuất. Theo đó, UBND huyện Vị Xuyên có trách nhiệm tiếp thu ý kiến cử tri, nghiên cứu đưa vào đề xuất chung của huyện để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
15. Chính sách đưa học sinh tại các điểm trường về trường chính hiện đang được triển khai theo Đề án chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học trường chính trên địa bàn tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND tỉnh.
Về chủ trương triển khai thực hiện tại Thông báo số 157-TB/TU ngày 05//8/2016, Tỉnh ủy đã chỉ đạo: “Tiếp tục thực hiện việc dồn điểm trường về trường chính ở nơi có điều kiện nhưng phải đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như điều kiện sinh hoạt của các em học sinh (không nhất thiết nơi nào cũng dồn điểm trường).
Việc tổ chức thực hiện, theo Đề án được duyệt, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện. Nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các trường chính huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa.
Căn cứ nội dung trên, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố tiếp thu ý kiến cử tri và tổ chức rà soát hiện trạng, xác định các nơi dồn điểm trường về trường chính phải đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như điều kiện sinh hoạt của các em học sinh, khả thi về nguồn lực, để huy động, bố trí vốn ưu tiên thực hiện.
16.Quyền tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch, đầu tư xây dựng được quy định rõ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật và đang được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước và nhất là lĩnh vực quy hoạch và đầu tư xây dựng một cách chủ động, thiết thực và hiệu quả.
17.Về đề nghị này, UBND tỉnh xin tiếp thu ý kiến trên và sẽ đề xuất HĐND tỉnh xem xét thực hiện bắt đầu từ Kỳ họp thứ Ba HĐND tỉnh khóa XVII.
18.UBND tỉnh xác định công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung, nghiêm túc thực hiện. Tiếp thu ý kiến của cử tri xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát các cơ quan chuyên môn đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri phải có giải pháp rõ ràng và hành động thiết thực, hiệu quả để giải quyết dứt điểm, không để tình trạng bức xúc, khó khăn kéo dài.
19.Thời gian qua, việc cấp điện cho nhân dân các thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả thiết thực. Dự án cấp điện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện lưới quốc gia tỉnh Hà Giang giai đoạn I (2014 – 2015) dự kiến sẽ đóng điện, hoàn thành cấp điện mới 3.558 hộ dân.
Để tiếp tục đầu tư cấp điện cho nhân dân các thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh, kế hoạch đầu tư trong các năm tiếp đã được lập trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, ưu tiên đầu tư và nguồn vốn trung hạn của trung ương cấp. Trong đó, đến năm 2020 cấp điện mới cho 33 thôn, 2.294 hộ dân huyện Bắc Quang; 44 thôn, 1.631 hộ dân huyện Quang Bình; 73 thôn, 3.983 hộ dân huyện Hoàng Su Phì; 29 thôn, 1.750 hộ dân huyện Xín Mần; 22 thôn, 1.269 hộ dân huyện Đồng Văn. Riêng giai đoạn 2017 – 2018, cấp điện mới cho 5 thôn, 326 hộ dân huyện Bắc Quang; 11 thôn, 550 hộ dân huyện Quang Bình; 13 thôn, 705 hộ dân huyện Hoàng Su Phì; 10 thôn, 544 hộ dân huyện Xín Mần; 7 thôn, 421 hộ dân huyện Đồng Văn.
20.Đối với tuyến đường từ Tân Quang (Bắc Quang) đi huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Gồm đoạn Tân Quang – Km55 thuộc Đường tỉnh 177 và đoạn Hoàng Su Phì – Xín Mần thuộc Quốc lộ 4.
UBND tỉnh đã đề nghị với Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ hỗ trợ và triển khai thực hiện dự án. Bộ giao thông vận tải đã có văn bản số 9451/BGTVT-KHĐT ngày 16/8/2016 nhất trí với đề nghị của tỉnh: đưa dự án quốc lộ 4 nối Hà Giang – Lào Cai vào kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 trình Chính phủ và đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn cho tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường Tỉnh lộ 177.
- Tuyến đường Quốc lộ 279 được phê duyệt tại Quyết định số 1594/QĐ-BGTVT ngày 9/6/2010 với tổng mức đầu tư 727,5 tỷ đồng. Do nguồn vốn phân bổ hàng năm cho Bộ giao thông Vận tải hết sức khó khăn nên đến nay mới bố trí được 156,1 tỷ đồng, bằng 21% tổng mức đầu tư. UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, sớm bố trí vốn để đầu tư, thực hiện.
- Các tuyến đường huyện gồm: tuyến đường nội thị của thị trấn Cốc Pài; tuyến đường liên tỉnh Nà Chì (Xín Mần) – Bản Liền (Lào Cai); tuyến đường từ xã Sủng Trái đi xã Vần Chải huyện Đồng Văn; đường vào khu di tích Trọng Con, thôn Thác, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang; xây dựng cầu cứng trên tuyến đường Nà Chì – Quảng Nguyên. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh giao UBND các huyện Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Đồng Văn có trách nhiệm rà soát và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung vào Kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
21.Hiện nay, huyện Quang Bình còn nhiều dự án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ năm 2005 nhưng đến nay chưa được phê duyệt dự toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Để có cơ sở xem xét cấp kinh phí, UBND huyện Quang Bình có trách nhiệm khẩn trương phê duyệt dự toán kinh phí ĐBGPMB.
Đối với các dự án đã được phe duyệt dự toán chi phí BTGPMB trong dự án đầu tư: Sau khi được tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư, UBND huyện có trách nhiệm tập trung bố trí thanh toán vốn cho công tác ĐBGPMB.
Đối với dự án san ủi mặt bằng khu dân cư chưa được phê duyệt trong dự án, UBND huyện sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để chi trả, do san ủi để mặt bằng sạch thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với dự án do UBND huyện quyết định đầu tư: huyện cân đối nguồn ngân sách huyện để bố trí công tác chi trả cho công tác ĐBGPMB.
Trong khi chờ thẩm định quyết toán, phê duyệt dự toán chi phí ĐBGPMB, Ban cán sự Đảng đã giao UBND tỉnh trình các cấp có thẩm quyền cấp ứng từ ngân sách tỉnh với số tiền 1,5 tỷ đồng để thanh toán cho huyện đối với chi phí ĐBGPMB không phê duyệt trong dự án đầu tư do UBND tỉnh quyết định đầu tư.
22.Việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án hạ tầng khu tái định cư trên địa bàn thị trấn Yên Bình đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương tại Thông báo Kết luận số 139/TB-KL ngày 19/7/2016 tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quang Bình và đã giao cho UBND huyện Quang Bình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
23.Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo cho Phòng chống Ma túy và tội phạm; Đồn biên phòng Nghĩa Thuận tích cực trao đổi với Trạm kiểm soát Biên cảnh Bát Bố/Trung Quốc đề nghị điều tra, giải cứu.
Kết quả, vào hồi 14h00 ngày 22/9/2016, Trạm KSBC Bát Bố và Công an huyện Ma ly Pho/Trung Quốc đã giải cứu và trao trả cho Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Công an huyện Quản Bạ, gồm: Sùng Thị Dính, sinh năm 2981, dân tộc Mông, trú tại thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ và 4 con gái của Dính.
Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã tiến hành lấy lời khai, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ, bàn giao Dính cùng 4 người con cho Công an huyện Quản Bạ, chính quyền xã Cán tỷ và chồng của Dính (ông Cứ Chúa Hạ). /.