Trả lời:
- Đối với tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CGD) do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Những năm đầu của thế kỷ 21, tài liệu được đưa vào thử nghiệm cho đối tượng học sinh là dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lào Cai triển khai thử nghiệm đạt kết quả tốt (theo tác giả không gọi là chương trình Công nghệ, gọi theo đúng nghĩa là “Tài liệu Công nghệ giáo dục dành cho học sinh lớp 1”.
Năm học 2010-2011, trước khi triển khai áp dụng Tài liệu lớp 1 Công nghệ giáo dục (CGD), Sở GD&ĐT Hà Giang thành lập đoàn công tác sang tỉnh Lào Cai (huyện Bảo Yên, Sa Pa) học hỏi kinh nghiệm về dạy và học tài liệu tiếng Việt lớp 1-CGD vào thời điểm tháng 5 năm 2010. Qua chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Lào Cai, đoàn công tác nhận thấy (học sinh lớp 1 cũng là dân tộc thiểu số) sau 35 tuần học theo tài liệu tiếng Việt lớp 1-CGD, học sinh đọc và viết chữ tương đương với học sinh lớp 2 của chương trình 175 tuần hiện hành; Chữ viết của học sinh lớp 1 năm học trước (2008-2009) học theo tài liệu lớp 1-CGD, sang năm học 2009-2010 học lên lớp 2, các em đọc và viết tương đương với học sinh lớp 3 của chương trình 175 tuần hiện hành.
Từ thực tế học sinh lớp 1 của tỉnh Hà Giang (phần lớn là dân tộc thiểu số, học lực từ trung bình trở lên hàng năm chỉ đạt từ 85 đến 90%, cá biệt có huyện tỷ lệ học sinh lớp 1 học yếu môn Tiếng việt chiếm từ: 15 đến 17%, nguyên nhân là các em trước khi vào học lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được học mẫu giáo nên không đọc được Bảng chữ cái…), UBND tỉnh đã cho phép Sở GD&ĐT triển khai thí điểm và mở rộng qui mô dạy học theo tài liệu Tiếng việt 1- CNGD trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Năm học 2010-2011, Hà Giang áp dụng thử nghiệm 04 lớp 1 với 95 học sinh. So sánh với học sinh lớp 1 trong cùng một trường đang học theo sách giáo khoa của chương trình 175 tuần hiện hành thì học sinh học lớp 1 học theo tài liệu Công nghệ giáo dục thì học sinh học theo tài liệu lớp 1-CGD “đọc và viết’’ tốt hơn so với học sinh lớp 1 học theo chương trình hiện hành.
+ Năm học 2011-2012, tiếp tục triển khai tại 11 huyện, thành phố với: 80 trường với 138 lớp và 3008 học sinh.
+ Năm học 2012-2013, triển khai tại 11 huyện, thành phố với 130 trường với 997 lớp và 2977 học sinh.
- Đối với Dự án mô hình trường học mới (VNEN) do Bộ GD&ĐT làm chủ đầu tư được áp dụng triển khai tại 63 tỉnh, thành phố từ năm 2012 đến năm 2015, Dự án có sự hỗ trợ cho các trường về tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên về phương pháp và kỹ thuật dạy học, cung cấp sách giáo khoa miễn phí và đầu tư trang thiết bị trong phòng học phục vụ cho dạy và học của giáo viên và học sinh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo tại văn bản số: 236/KH-BGDĐT, ngày 13/5/2010 về kế hoạch nghiên cứu triển khai vận dụng mô hình Trường học mới (VNEN) trong giáo dục Tiểu học tại các địa phương; Công văn số: 4983/BGDĐT-GDTH, ngày 27/7/2011 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới VNEN tại 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình, Khánh Hoà, Đăk Lắk và Kon Tum).
Tài liệu dạy học theo mô hình trường học mới vẫn thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định về Chương trình giáo dục phổ thông (175 tuần) đang hiện hành trong toàn quốc. Từ chương trình và sách giáo khoa đang hiện hành, các Chuyên gia chuyển nguyên (nội dung, kiến thức) sang để thiết kế lại thành tài liệu (3 trong 1): Tài liệu vừa là sách giáo khoa, sách bài tập của học sinh vừa là sách giáo viên. Điểm cơ bản nhất là học theo tài liệu (SGK) của mô hình VNEN, học sinh phải tự đọc tài liệu để tìm hiểu bài và tự đưa ra kết quả học tập của cá nhân, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi ý, học sinh chủ yếu (tự học cá nhân và học theo nhóm). Khác với phương pháp dạy học truyền thống, dạy học theo sách giáo khoa VNEN, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực sư phạm, kiến thức và thay đổi về “cách dạy và cách học”.
Năm học 2011-2012, tỉnh Hà Giang triển khai dạy thử nghiệm tại 04 trường thuộc huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang với 8 lớp và 196 học sinh. Trong năm 2011, Bộ GD&ĐT đã (3 lần) cử các Chuyên gia trực tiếp là Tác giả của tài liệu (SGK) lên kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời đánh giá hiệu quả của việc triển khai dạy học thí điểm tài liệu theo mô hình trường học mới lớp 2 VNEN tại 04 trường tiểu học của tỉnh Hà Giang. Sau một năm triển khai dạy thử nghiệm tại 6 tỉnh, các Chuyên gia của Bộ GD&ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá hiệu quả của tài liệu như sau:
+ Tài liệu được học sinh tiếp nhận tốt với sự thu hút từ hệ thống kênh hình, kênh chữ phù hợp, thể hiện rõ các hoạt động để học sinh chủ động tích cực tự giác tham gia vào hoạt động học tập.
+ Chương trình, nội dung phù hợp, vừa sức. Phụ huynh có thể hỗ trợ học sinh trong việc thực hiện các bài tập ứng dụng ở nhà.
+ Học sinh được trải nghiệm thực tiễn và chủ động trong việc chiếm lĩnh kiến thức. Tiêu đề của các bài gần gũi với đối tượng học sinh, môi trường xung quanh; phát huy được tính tích cực, bài học có nhiều tình huống gây sự chú ý của học sinh.
+ Nội dung kiến thức và phương pháp từng bài thiết kế phong phú theo nhiều hình thức khác nhau, không theo một khuôn mẫu, một quy trình nhất định, giúp học sinh chủ động phát huy được năng lực học tập tại lớp và ở nhà.
+ Học sinh học theo tài liệu VNEN mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, các em có khả năng tự thể hiện các tiểu phẩm ngắn trong các giờ học và các hoạt động ngoại khoá do nhà trường tổ chức.
Nhược điểm
+ Để dạy học theo tài liệu thử nghiệm mô hình VNEN có kết quả, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đồ dùng và thiết bị dạy học;
+ Một số nội dung bài học: môn Toán, Tiếng việt, TNXH, kiến thức của sách giáo khoa hơi nặng đối với những học sinh có học lực yếu, kém;
Theo kiến nghị của cử tri: Hiện nay chương trình giáo dục một số Trường tiểu học trong tỉnh có nhiều chương trình khác nhau là không đúng với thực tế mà đây chỉ là tài liệu (SGK) được các Chuyên gia chuyển thể từ chương trình và sách giáo khoa đang hiện hành sang theo mô hình mới nhằm thay đổi phương pháp và kỹ thuật dạy học, giúp học sinh đọc, viết và nắm chắc kiến thức bài học tốt hơn.
Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 130 trường tiểu học với 997 lớp và 2977 học sinh (lớp 1) đang học theo tài liệu lớp 1-CGD, số lớp 1 còn lại đang học theo chương trình 175 tuần hiện hành; 73 trường tiểu học được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Dự án VNEN với 322 lớp và 6629 học sinh lớp 2, 3 đang học theo tài liệu thử nghiệm mô hình VNEN của Bộ GD&ĐT so với chương trình 175 tuần đang hiện hành vẫn là một chương trình thống nhất.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo triển khai dạy học thí điểm tài liệu lớp 1-CGD tại 27 tỉnh; dạy học theo mô hình trường học mới lớp 2, 3 VNEN tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai dạy học thử nghiệm 02 Tài liệu (SGK) nêu trên để các trường được thụ hưởng hỗ trợ từ Dự án của Bộ GD&ĐT.